VNG Cloud Logo
Triển khai mô hình bảo mật Zero Trust trên điện toán đám mây

2024/03/12 23:30

Nguyên tắc bảo mật Zero Trust là nền tảng của bảo mật điện toán đám mây mạnh mẽ. Khi các vụ rò rỉ dữ liệu và tấn công mạng đang là thách thức phổ biến, nhu cầu về biện pháp bảo mật mạnh mẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với việc ngày càng nhiều tổ chức chuyển dịch dữ liệu và hoạt động lên điện toán đám mây, yêu cầu về sự chuyển đổi mô hình trong chiến lược bảo mật sẽ xuất hiện. Zero Trust, một khái niệm bảo mật mới, được coi là nền tảng của bảo mật điện toán đám mây. Bài blog này sẽ khám phá tầm quan trọng của Zero Trust trong việc bảo vệ môi trường điện toán đám mây.

Thách thức của bảo mật điện toán đám mây

Việc tích hợp điện toán đám mây mang lại tính linh hoạt, khả năng mở rộng và hiệu quả chi phí chưa từng có cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây đồng thời gây ra các mối đe dọa an ninh mạng. Mô hình bảo mật truyền thống, tập trung vào việc bảo vệ perimeter, cần phải có sự chuyển đổi. Các biện pháp bảo mật phải phát triển để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh không ngừng biến động này, nơi dữ liệu nằm trong các trung tâm dữ liệu từ xa và người dùng truy cập tài nguyên từ mọi nơi.

Zero Trust là gì?

Zero Trust không chỉ là một công nghệ đơn thuần mà còn là một phương pháp bảo mật toàn diện giúp thay đổi cấu trúc bảo mật. Nguyên tắc cốt lõi của Zero Trust rất rõ ràng: "Không bao giờ tin tưởng, luôn xác minh”. Về cơ bản, Zero Trust quy định rằng đội ngũ bảo mật không nên tin tưởng bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì, bất kể vị trí của họ ở trong hay ngoài mạng. 

hinh 1.png
Zero Trust là mô hình bảo mật CNTT giúp loại bỏ khái niệm tin tưởng để bảo vệ hệ thống mạng, ứng dụng và dữ liệu. 

Các nguyên tắc cốt lõi của Zero Trust bao gồm:

  • Xác minh liên tục: Mỗi yêu cầu truy cập đều phải được xác minh, bất kể vị trí hoặc thiết bị của người dùng. Nguyên tắc này kết hợp việc sử dụng xác thực đa yếu tố (MFA) mạnh mẽ và kiểm tra tình trạng thiết bị kỹ lưỡng.
  • Quyền truy cập tối thiểu: Đội ngũ bảo mật chỉ cấp quyền truy cập tối thiểu cần thiết cho người dùng và hệ thống, giảm thiểu sự tấn công và nguy cơ tổn thất trong trường hợp vi phạm bảo mật.
  • Phân đoạn vi mô: Mạng được chia thành các phân đoạn nhỏ, biệt lập, với các biện pháp kiểm soát truy cập giữa chúng để ngăn chặn kẻ tấn công di chuyển trong mạng.
  • Bảo mật lấy dữ liệu làm trung tâm: Zero Trust ưu tiên bảo vệ dữ liệu, đảm bảo rằng dữ liệu được mã hóa, phân loại và kiểm soát truy cập nghiêm ngặt.

Zero Trust trong bảo mật điện toán đám mây

Zero Trust rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường điện toán đám mây, vì:

  • Môi trường không có perimeter: Môi trường điện toán đám mây thiếu perimeter truyền thống, khiến các mô hình bảo mật thông thường trở nên kém hiệu quả. Zero Trust, tập trung vào việc xác minh liên tục ở từng cấp độ, đã giải quyết thách thức này trên môi trường điện toán đám mây phân tán.
  • Các mối đe dọa về bảo mật gia tăng: Khi các mối đe dọa mạng ngày càng tinh vi hơn, nguyên tắc giám sát và xác minh liên tục của Zero Trust giúp các doanh nghiệp phát hiện và ứng phó với hành vi bất thường và vi phạm ngay lập tức, ngăn chặn các mối đe dọa đang phát triển.
  • Làm việc từ xa: Sự phổ biến của làm việc từ xa đã làm mờ đi ranh giới giữa mạng doanh nghiệp và Internet công cộng. Zero Trust đảm bảo quyền truy cập an toàn dựa trên danh tính người dùng và độ tin cậy của thiết bị, không chỉ vị trí mạng, khi nhân viên truy cập tài nguyên điện toán đám mây từ nhiều vị trí và thiết bị khác nhau.
  • Bảo vệ dữ liệu: Trong môi trường điện toán đám mây, dữ liệu là quý giá. Zero Trust ưu tiên bảo vệ dữ liệu, đảm bảo dữ liệu nhạy cảm được mã hóa và không thể truy cập ngay cả trong khi bị rò rỉ.
  • Tuân thủ quy định: Các quy định bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt trong nhiều lĩnh vực được đáp ứng thông qua Zero Trust, thực hiện kiểm soát truy cập nghiêm ngặt, giám sát hoạt động và duy trì quy trình kiểm tra, giúp doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu và quy định. 

Triển khai Zero Trust trong môi trường điện toán đám mây: Phương pháp 5 bước

hinh 2.png
Trước khi bắt đầu triển khai, doanh nghiệp phải hiểu rõ mục tiêu khi áp dụng Zero Trust cho hạ tầng điện toán đám mây.

Bằng cách tuân theo một phương pháp có hệ thống, doanh nghiệp có thể nâng cao tình trạng bảo mật và bảo vệ dữ liệu hiệu quả hơn trước các mối đe dọa mạng hiện đại trên điện toán đám mây.

  • Bước 1: Xác định loại ứng dụng (ví dụ: public, private, SaaS) và dữ liệu (ví dụ: tối mật, nhạy cảm, không quan trọng) trong doanh nghiệp, cùng với vị trí và người truy cập chúng. Xác định rõ các phần được bảo vệ, bao gồm dữ liệu, ứng dụng, tài sản và dịch vụ quan trọng.
  • Bước 2: Lập sơ đồ luồng dữ liệu, hiểu được cách ứng dụng hoạt động trong thực tế.
  • Bước 3: Thiết kế cơ sở hạ tầng điện toán đám mây mới, thiết lập ranh giới giữa người dùng và ứng dụng.
  • Bước 4: Phát triển các chính sách Zero Trust dựa trên nguyên tắc quyền truy cập tối thiểu, cho phép ai sẽ có quyền truy cập vào các tài nguyên nào. Hướng dẫn người dùng về chính sách bảo mật và mục tiêu khi truy cập các ứng dụng và dữ liệu của doanh nghiệp trên điện toán đám mây.
  • Bước 5: Giám sát và duy trì môi trường Zero Trust bằng cách liên tục kiểm tra và ghi lại lưu lượng truy cập. Xác định các hoạt động bất thường và cải thiện chính sách để tăng cường bảo mật. Thông qua việc giám sát, hãy mở rộng các phần được bảo vệ, cho phép điều chỉnh kiến trúc để tăng cường bảo mật hơn.

Tip triển khai Zero Trust trong môi trường điện toán đám mây

Để đơn giản hóa việc duy trì Zero Trust trong điện toán đám mây, doanh nghiệp nên cân nhắc:

  • Sử dụng các biện pháp bảo mật điện toán đám mây để triển khai Zero Trust.
  • Cung cấp cho người dùng trải nghiệm an toàn, nhất quán và liền mạch, bất kể vị trí địa lý, phương thức kết nối ưa thích hoặc các ứng dụng đã chọn của họ. Trải nghiệm người dùng phức tạp hoặc gián đoạn ở các vị trí khác nhau hoặc với nhiều ứng dụng khác nhau có thể đối mặt với sự phản đối.
  • Giảm thiểu tấn công bằng cách giới hạn quyền truy cập của người dùng theo hoàn cảnh.

Đưa Zero Trust vào hoạt động

Việc triển khai chính xác các tính năng xác thực đa yếu tố và Zero Trust sẽ cải thiện tính bảo mật một cách liền mạch, đơn giản hóa quá trình xác minh người dùng và hướng dẫn truy cập vào các dịch vụ. Doanh nghiệp cần theo dõi chỉ số cuộc tấn công, đánh giá tính bảo mật của hệ thống và các nguy cơ tiềm ẩn. Đánh giá mức độ tiếp cận tài sản, đặc biệt là khi truy cập các dịch vụ, phải là một phần của quá trình xác minh. Các vấn đề bảo mật khá phức tạp, không có giải pháp chung nào cho Zero Trust, nhưng các kỹ thuật cụ thể có thể giúp giải quyết những thách thức liên quan. 

hinh 4.png
 
  • Kết hợp Data Lake với API

Các công cụ quản lý sự hỗn loạn của điện toán đám mây bao gồm các giải pháp data lake, đơn giản hóa quá trình hợp nhất dữ liệu đa dạng thành một dạng thống nhất. API đóng vai trò là công cụ hỗ trợ, giúp thu thập các thông tin quan trọng để phân tích tự động. Data lake tập trung phân tích, cho phép phát hiện các mối đe dọa thông qua machine learning và API tăng cường chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực giữa các nền tảng bảo mật, cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc phát hiện mối đe dọa. Việc sử dụng có trách nhiệm là rất quan trọng, yêu cầu tuân thủ các biện pháp bảo mật và quản lý dữ liệu nghiêm ngặt cho cả hai công nghệ.

  • Chặn đường tấn công

Zero Trust giảm thiểu rủi ro từ các cuộc tấn công trải rộng trên nhiều domain bằng cách cách ly các hệ thống bị ảnh hưởng khi tài sản hoặc người dùng bị xâm nhập, ngăn việc di chuyển và leo thang đặc quyền, điều rất quan trọng trong việc phòng tránh ransomware. Để ngăn chặn các cuộc tấn công, đội ngũ bảo mật phải làm gián đoạn các con đường tấn công ưa thích của chúng, giải quyết các rủi ro về tài sản và sử dụng các nguyên tắc phân đoạn và xác minh của Zero Trust. Chủ động trước các chiến thuật của đối thủ và sử dụng tính năng phát hiện tự động sẽ làm tăng chi phí và gây khó khăn cho kẻ tấn công.

  • Giám sát KPI phù hợp

Việc lựa chọn các chỉ số tối ưu là rất quan trọng để triển khai biện pháp kiểm soát cơ bản trong Zero Trust. Những chỉ số này đóng vai trò then chốt trong chương trình bảo mật mạnh mẽ, đảm bảo phạm vi bao phủ, kiểm soát đầy đủ và xác định chính xác những phần cần cải thiện. Ví dụ, trong quản lý quyền sử dụng trên hạ tầng điện toán đám mây (CIEM), doanh nghiệp có thể đo lường tỷ lệ phần trăm tài khoản điện toán đám mây tuân thủ hoặc thời gian phản hồi đối với một lỗi vi phạm. Người dùng nên tuân thủ các phương pháp đã được thiết lập, như từ Trung tâm An ninh Internet, đối với các chỉ số kiểm soát cụ thể, ưu tiên cho chỉ số SMART (specific, measurable, achievable, relevant, và timely) phù hợp với kết quả mong muốn hơn.

Việc triển khai cấu trúc Zero Trust là điều cần thiết cho bảo mật điện toán đám mây, nhưng nó khá phức tạp. Chiến lược sử dụng data lake, API và phát hiện tấn công tự động là rất quan trọng để nâng cao bảo mật điện toán đám mây. Chỉ số chính xác giúp đội ngũ bảo mật dễ dàng vượt qua các thách thức của việc áp dụng Zero Trust và khai thác toàn bộ tiềm năng của nó.

Kết luận

Khi các doanh nghiệp đang trên hành trình chuyển đổi số với công nghệ điện toán đám mây, Zero Trust sẽ trở thành nền tảng của bảo mật đám mây. Nguyên tắc xác minh liên tục, quyền truy cập tối thiểu và lấy dữ liệu làm trung tâm sẽ hoàn toàn phù hợp với tính chất biến động của môi trường điện toán đám mây. Việc áp dụng Zero Trust không phải là lựa chọn; mà nó là sự cần thiết để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an ninh trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng. 

article.read_more