Khi nhu cầu quản lý dữ liệu trở nên mạnh mẽ, việc đảm bảo tính an toàn và sẵn sàng của những thông tin giá trị là điều tối quan trọng. Ba công cụ thiết yếu, đó là snapshot (bản chụp), backup (bản sao lưu dự phòng) và replication (sao chép), đóng vai trò là những công cụ bảo vệ dữ liệu vững chắc. Mặc dù tất cả đều đóng góp vào mục tiêu chung là bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp bạn, mỗi phương thức đều sẽ có vai trò riêng.
Backup, snapshot và replication đều được sử dụng trong bảo vệ dữ liệu, nhưng chúng thường bị hiểu nhầm là giống nhau. Trên thực tế, mỗi phương thức được ứng dụng cho các mục đích riêng biệt trong mục tiêu chung này. Các bản backup đảm bảo tính dự phòng, snapshot giúp truy xuất nhanh chóng và replication dùng cho mục đích giảm thời gian ngừng hoạt động.
Hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào sự khác biệt giữa snapshot, backup và replication để tìm hiểu cách chúng giúp tăng cường khả năng bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp bạn.

Data Replication là gì?
Data replication liên quan đến việc sao chép dữ liệu, cho dù trong cùng một trung tâm dữ liệu (TTDL) hay thường xuyên hơn là ở một TTDL từ xa, nhằm đề phòng các lỗi phát sinh. Nó đảm bảo rằng dữ liệu được lưu trữ tại nhiều địa điểm (site) hoặc nút (node), cho phép tất cả người dùng truy cập vào cùng một dữ liệu đồng nhất.
Data replication cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, cho phép người dùng truy cập dữ liệu cụ thể cho công việc của họ mà không làm gián đoạn hoạt động của các hệ thống hay nhóm khác. Data replication có nhiều dạng khác nhau:
- Full Replication (Sao chép toàn bộ): Toàn bộ cơ sở dữ liệu được lưu trữ ở mọi site.
Partial Replication (Sao chép một phần): Chỉ sao chép những phần được sử dụng thường xuyên của cơ sở dữ liệu, giúp giảm lượng sao chép.
- Synchronous Replication (Sao chép đồng bộ): Phương pháp này sao chép tất cả đầu vào/đầu ra (IO) trong thời gian thực, đảm bảo thao tác write nội bộ và từ xa đều được cam kết trước khi xác nhận thành công với máy chủ.
- Asynchronous Replication (Sao chép không đồng bộ): Dữ liệu được sao chép theo các khoảng thời gian xác định, chẳng hạn 5 phút/lần và các thay đổi sau đó sẽ được sao chép sang một site khác. Trong trường hợp này, dữ liệu bạn có thể bị thiếu sót trong thời gian đợi đồng bộ.
- Snapshot Replication (Sao chép snapshot): Dữ liệu được phân phối chính xác như tại thời điểm sao chép, như tạo ra một "snapshot" dữ liệu, sau đó được gửi đến người dùng.
- Transactional Replication (Sao chép giao dịch): Người dùng nhận được bản sao hoàn chỉnh ban đầu của cơ sở dữ liệu và các bản cập nhật tiếp theo khi dữ liệu thay đổi.
- Merge Replication (Sao chép hợp nhất): Trong phương pháp phức tạp này, dữ liệu từ nhiều cơ sở dữ liệu được kết nối thành một cơ sở dữ liệu duy nhất. Nhà cung cấp (publisher) và người sử dụng (subscriber) đều có thể thực hiện các thay đổi đối với cơ sở dữ liệu một cách độc lập.
Merge replication thường được sử dụng trong cài đặt server-to-client (máy chủ đến người dùng), tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối các thay đổi từ nhà cung cấp đến nhiều người sử dụng. Mặt khác, transactional replication hoạt động theo thời gian thực, đảm bảo sao chép chính xác và nhất quán mọi thay đổi từ nhà cung cấp đến cơ sở dữ liệu người nhận. Transactional replication thường là lựa chọn ưu tiên cho môi trường server-to-server (máy chủ đến máy chủ).
Backup là gì?
Backup (bản sao lưu), thường được nhắc đến trong sao lưu và phục hồi, liên quan đến việc tạo và lưu giữ các bản copy dữ liệu của bạn. Những bản sao này đóng vai trò như một cách để khôi phục các dịch vụ của tổ chức khi dữ liệu chính xảy ra lỗi, có thể do mất điện, bị ransomware tấn công hay các sự cố khác.

Kế hoạch backup là điều cần thiết cho các cơ sở dữ liệu quan trọng và các ứng dụng kinh doanh. Nó dựa trên các chính sách được xác định trước, bao gồm các thông số về thời gian khôi phục (RTO và RPO) cho từng nguồn dữ liệu và ứng dụng. Thông thường, chiến lược backup tốt sẽ bao gồm lịch trình sao lưu toàn bộ (Full), thường là hàng tuần, cùng với các bản sao lưu khác biệt (Differential) hoặc sao lưu gia tăng (Incremental).
Các bản sao lưu cho phép hệ thống của bạn quay về trạng thái trước khi xảy ra mất mát hoặc hỏng dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục hoạt động dịch vụ. Mặc dù có thể lưu trữ các bản sao lưu trên cùng một máy chủ với dữ liệu gốc, nhưng để cẩn thận hơn bạn nên sao lưu chúng trên một máy chủ hoặc hệ thống riêng biệt, chẳng hạn như một cloud server an toàn, để đảm bảo dự phòng dữ liệu.
Snapshot là gì?
Snapshot chụp lại trạng thái của hệ thống tại một thời điểm cụ thể, tạo hình ảnh ảo về cấu hình và file hệ thống trên server của bạn. Không giống như bản sao lưu đòi hỏi phải sao chép toàn diện dữ liệu của bạn, snapshot chỉ sao chép các cài đặt và metadata cần thiết để khôi phục dữ liệu nếu xảy ra gián đoạn. Để đảm bảo việc truy xuất, bạn nên lưu trữ các file nguồn snapshot của mình ở một vị trí riêng biệt.
Công nghệ snapshot có thể khác nhau giữa các nhà cung cấp, nhưng đây là một số phương pháp phổ biến:
- Copy-on-write: Snapshot nhanh với sự trùng lặp metadata tối thiểu nhưng tốn nhiều tài nguyên do có nhiều thao tác input/output (I/O).
- Redirect-on-write: Sử dụng con trỏ để tham chiếu các snapshot block được bảo vệ, bảo toàn dữ liệu gốc tại thời điểm thực hiện snapshot. Nó hiệu quả cho thao tác Write nhưng phức tạp khi xóa snapshot.
- CDP (Continuous Data Protection - Bảo vệ dữ liệu liên tục): Snapshot theo thời gian thực, ghi lại mọi thay đổi dữ liệu. Tuy nhiên, việc tạo và cập nhật snapshot nhanh thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất và băng thông mạng.
- Clone/Mirroring: Sao chép toàn bộ volume, cho phép khôi phục dễ dàng nhưng yêu cầu dung lượng lưu trữ đáng kể.
Data Replication và Data Backup
Data replication và data backup là những khái niệm liên quan nhưng chúng không thể thay thế cho nhau.
Data backup liên quan đến việc tạo "save point" trên máy chủ của bạn, cho phép bạn khôi phục dữ liệu về một thời điểm cụ thể trong trường hợp file bị hỏng, lỗi hệ thống, ngừng hoạt động hoặc bất kỳ sự kiện gây mất mát dữ liệu nào. Vì việc backup dữ liệu có thể tốn thời gian nên các doanh nghiệp thường lên lịch thực hiện vào những giờ thấp điểm, chẳng hạn như vào ban đêm hoặc cuối tuần.
Mặc dù có nguy cơ mất dữ liệu giữa các lần sao lưu, nhưng chúng là tiêu chuẩn tin cậy để bảo vệ dữ liệu và đặc biệt phù hợp để lưu trữ lâu dài các file dữ liệu tĩnh lớn. Việc backup dữ liệu là rất quan trọng đối với các ngành nghề cần lưu giữ hồ sơ lâu dài để tuân thủ theo các quy định.
Mặt khác, data replication tập trung vào việc đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, đặc biệt đối với các ứng dụng quan trọng và hướng tới khách hàng, ngay cả khi đối mặt với thảm họa.

Khi nào nên sử dụng Snapshot Replication?
Snapshot replication thường được sử dụng trong các trường hợp dữ liệu thay đổi không thường xuyên. Nó hoạt động chậm hơn một chút so với transactional replication vì nó chuyển nhiều bản ghi từ nơi này sang nơi khác. Snapshot replication hữu ích cho việc đồng bộ hóa ban đầu giữa nhà cung cấp và người sử dụng.
Khi sử dụng snapshot để khôi phục hệ thống của bạn, hệ thống sẽ trở lại trạng thái như tại thời điểm tạo snapshot. Snapshot rất phù hợp để lưu trữ ngắn hạn và thường được sử dụng cho các mục đích như lập trình và test. Khi không gian lưu trữ snapshot của bạn bị hạn chế, các bản snapshot mới sẽ tự động ghi đè lên các snapshot cũ hơn.
Snapshot cũng hữu ích để "lưu nhanh" hệ thống của bạn trước khi cài đặt các bản cập nhật quan trọng. Nếu bản cập nhật không thuận lợi, bạn có thể dễ dàng quay lại bản snapshot hệ thống gần nhất của mình, giúp khôi phục hệ thống của bạn về trạng thái trước đó.
Kết luận
Nhìn chung, hiểu được sự khác biệt giữa snapshot, backup và replication là rất quan trọng để quản lý và bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp hiệu quả. Mỗi phương pháp này được sử dụng cho các mục đích cụ thể trong việc bảo vệ dữ liệu của bạn và đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh. Việc chọn phương pháp phù hợp hoặc kết hợp giữa các phương pháp này tùy thuộc vào nhu cầu riêng của từng tổ chức, bao gồm các mục tiêu như khôi phục dữ liệu, volume dữ liệu và yêu cầu hiệu suất.
Với một loạt các tính năng mới bao gồm snapshot, sao lưu theo giờ và sao lưu gia tăng, vStorage của VNG Cloud là giải pháp tối ưu đảm bảo dữ liệu của doanh nghiệp bạn an toàn, truy cập nhanh chóng và luôn được cập nhật. Cho dù là bảo vệ thông tin quan trọng hay đảm bảo truy xuất dữ liệu nhanh chóng, vStorage đều có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.